Năm 2025, ngành xuất khẩu gạo dự kiến sẽ gặp khó khăn do sản lượng gạo toàn cầu tăng mạnh, đặc biệt từ Ấn Độ, Ai Cập và các nước xuất khẩu lớn khác dự báo sẽ làm giảm giá gạo toàn cầu, gây áp lực lớn lên doanh thu xuất khẩu của Việt Nam.
Toàn cảnh thị trường gạo thế giới năm 2025: Những thay đổi đáng chú ý
Bước vào năm 2025, thị trường gạo toàn cầu tiếp tục chứng kiến những biến động lớn. Thành tựu ấn tượng năm 2024 của ngành gạo Việt Nam khi lần đầu tiên đạt 9 triệu tấn xuất khẩu, thu về gần 6 tỷ USD - tăng 10,6% về lượng nhưng tăng tới 23% về giá trị - đã tạo nền tảng mạnh mẽ cho bước tiến mới.
Năm 2024 xuất khẩu gạo đạt kỷ lục cả về lượng và giá trị.
Đặc biệt, giá gạo xuất khẩu bình quân năm 2024 tăng 16,7% so với năm trước, đánh dấu một cột mốc chưa từng có sau 35 năm kể từ khi Việt Nam tham gia thị trường gạo thế giới.
Phân tích về kết quả này, ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, nhận định: “Thị trường gạo năm 2025 sẽ rất khó đoán định bởi nguồn cung tăng mạnh từ các nước xuất khẩu lớn. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn còn nhiều lợi thế nếu biết tận dụng và phát huy đúng cách.”
Việt Nam sẽ gặp nhiều thách thức hơn so với năm 2024 vì nguồn cung gạo thế giới sẽ trở nên dồi dào hơn
Dự kiến trong năm 2025, bối cảnh thị trường sẽ tiếp tục chịu ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, sự gián đoạn chuỗi cung ứng, và áp lực cạnh tranh ngày càng gay gắt từ các đối thủ lớn.
Thách thức kép cho gạo Việt Nam: Sự trở lại của Ấn Độ và sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc
Ấn Độ, sau khi gỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng không phải basmati, đã trở lại đường đua với vị thế không thể xem nhẹ. Cụ thể, từ cuối tháng 9/2024, giá gạo loại 5% và 25% tấm của Việt Nam có xu hướng giảm từ 15 – 50USD/tấn. Với lợi thế nguồn cung dồi dào và giá cả cạnh tranh, quốc gia này tiếp tục chiếm lĩnh các thị trường truyền thống như châu Phi và Trung Đông.
Canh tác lúa gạo tại Ấn Độ
Tuy nhiên, một thách thức không kém phần đáng gờm khác đến từ Trung Quốc - quốc gia vừa đẩy mạnh xuất khẩu gạo sau nhiều năm tập trung vào sản xuất nội địa. Với chiến lược mở rộng thị trường và chính sách hỗ trợ mạnh mẽ từ Chính phủ, gạo Trung Quốc đã bắt đầu cạnh tranh trực tiếp với các nhà xuất khẩu lớn, bao gồm cả Việt Nam.
Xuất khẩu gạo Việt Nam: Làm gì để giữ vững vị thế?
Những tác động trên, đặt ra một bài toán khó cho ngành gạo Việt Nam: Làm thế nào để giữ vững thị phần và vượt qua các đối thủ "nặng ký"?
Có thể nói, cuộc đua trong ngành gạo giờ đây không chỉ nằm ở số lượng mà còn ở chất lượng, thương hiệu, và khả năng thích ứng. Việt Nam cần phải chứng minh rằng hạt gạo của chúng ta là sản phẩm không thể thay thế trên bàn ăn quốc tế.
Vì không chỉ riêng Ấn Độ và Trung Quốc, mà còn ở thị trường Thái Lan cũng sẽ mang đến những thách thức mới. Đòi hỏi Việt Nam phải nâng cao giá trị sản phẩm thông qua đầu tư vào chất lượng, đa dạng hóa thị trường, và định vị thương hiệu gạo quốc gia. Đây không chỉ là cuộc chiến về giá cả mà còn là cơ hội để gạo Việt khẳng định vị trí vững chắc trong lòng người tiêu dùng toàn cầu.
Xu hướng toàn cầu và bài toán phát triển bền vững
Trong bối cảnh thị trường gạo thế giới đang thay đổi nhanh chóng, Việt Nam - quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu, việc tham gia vào xu thế này không chỉ là một lựa chọn mà còn là yếu tố sống còn để duy trì và nâng cao vị thế.
Khả năng lũ lụt và hạn hán tăng cũng đe dọa sản xuất lúa
Thế giới ngày càng đối mặt với những thách thức lớn từ biến đổi khí hậu, gia tăng dân số và sự bất ổn về địa chính trị. Những yếu tố này khiến nhu cầu lương thực, đặc biệt là gạo, ngày càng tăng cao. Các thị trường lớn như châu Âu và Bắc Mỹ đang ngày càng yêu cầu khắt khe về sản phẩm đạt chuẩn "xanh", không sử dụng hóa chất độc hại và có quy trình sản xuất thân thiện với môi trường.
Để đáp ứng những tiêu chuẩn này, Việt Nam cần:
Áp dụng các phương pháp canh tác hiện đại như giảm lượng nước sử dụng, hạn chế phân bón hóa học và tăng cường các giải pháp hữu cơ.
Đảm bảo tính minh bạch và truy xuất nguồn gốc từ đồng ruộng đến bàn ăn.
Đẩy mạnh truyền thông về hình ảnh hạt gạo Việt Nam trên các thị trường lớn.
Trong tương lai, với sự nỗ lực không ngừng và chiến lược đúng đắn, Việt Nam không chỉ vượt qua thách thức mà còn biến thách thức thành cơ hội, đưa hạt gạo trở thành niềm tự hào của quốc gia trên bản đồ thế giới.