TRANG CHỦ>>SẢN PHẨM GIAO DỊCH>>NĂNG LƯỢNG
NĂNG LƯỢNG

I. Tình hình cung cầu:

1. Đặc điểm của dầu thô:
Dầu thô, còn được gọi là "vàng đen", là dầu tự nhiên chưa qua chế biến được khai thác từ mỏ dầu. Đây là chất lỏng hoặc bán rắn màu đen nâu hoặc xanh đậm, có tính dễ cháy, được tạo thành từ các hợp chất hydrocarbon phức tạp. Dầu thô thường được khai thác cùng với khí tự nhiên, có mật độ tương đối nhỏ hơn 1. Nó là hỗn hợp phức tạp của nhiều thành phần, qua quá trình tinh chế, dầu thô được chuyển hóa thành các sản phẩm như xăng, dầu hỏa, dầu diesel, dầu nhờn và nhiều sản phẩm dầu mỏ khác. Dầu thô là nguồn năng lượng quan trọng, trong đời sống hiện đại, dầu thô và các sản phẩm từ nó có vai trò thiết yếu trong các lĩnh vực quốc phòng, khoa học công nghệ, công nghiệp, nông nghiệp, giao thông và đời sống hàng ngày.

2. Chuỗi ngành công nghiệp chế biến dầu thô:
Dựa trên mối quan hệ giữa dầu thô và các sản phẩm từ nó, ngành công nghiệp dầu mỏ có thể được chia thành ba phần chính: thượng nguồn, trung nguồn và hạ nguồn:

  • Thượng nguồn: Tìm kiếm, khai thác và sản xuất dầu thô và khí tự nhiên, thường gọi là lĩnh vực thăm dò và sản xuất.

  • Trung nguồn: Tinh chế dầu thô thông qua các quy trình như chưng cất thường và chưng cất chân không, cracking xúc tác, hydrocracking, cải cách xúc tác (catalytic reforming), cốc hóa chậm ̣(delayed coking), chế biến dầu khí và tinh chế sản phẩm,... tạo ra các sản phẩm dầu mỏ và nguyên liệu cơ bản cho ngành hóa dầu.

  • Hạ nguồn: Bao gồm phân phối và bán các sản phẩm dầu mỏ, gồm hàng nghìn loại như xăng, dầu diesel, nhiên liệu hàng không, dầu sưởi, nhựa đường, chất bôi trơn, cao su tổng hợp, nhựa và phân bón,...

3. Tình hình sản xuất và tiêu thụ dầu thô:
Các khu vực sản xuất dầu thô chính bao gồm Trung Đông, Bắc Mỹ, Châu Âu và khu vực Á-Âu. Những quốc gia sản xuất dầu thô lớn nhất thế giới là Mỹ, Ả Rập Xê Út, Nga và Trung Quốc. Trong khi đó, tiêu thụ dầu thô tập trung ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, Bắc Mỹ, Châu Âu và khu vực Á-Âu với các quốc gia tiêu thụ lớn nhất là Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản. Theo thống kê năm 2016 của công ty dầu khí BP của Anh, trữ lượng dầu thô đã được xác nhận trên thế giới là 1697,6 tỷ thùng, trong khi mức tiêu thụ lên đến 34,7 tỷ thùng/năm.

II. Các yếu tố chính ảnh hưởng đến giá dầu thô:

Các yếu tố ảnh hưởng đến giá dầu thô có thể được chia thành hai loại: mối quan hệ cung cầu và phi cung cầu. Mối quan hệ giữa cung và cầu là yếu tố cơ bản quyết định giá dầu thô. Mặt khác, do giao dịch dầu thô tham gia vào thị trường tương lai và mang đặc điểm của một sản phẩm tài chính, và vị thế chiến lược quan trọng của dầu thô, các yếu tố chính trị, yếu tố đồng đô la, yếu tố đầu cơ,... đều sẽ ảnh hưởng đến giá dầu thô. Các yếu tố ảnh hưởng chính được tóm tắt như sau: 

  1. Quan hệ cung cầu: Sự cân bằng giữa cung và cầu là yếu tố cơ bản quyết định giá dầu thô. Sản lượng và trữ lượng quyết định nguồn cung, trong khi mức tiêu thụ do tăng trưởng kinh tế thúc đẩy quyết định nhu cầu.

  2. Yếu tố chính trị: Là một nguồn tài nguyên chiến lược, dầu thô thường có mối quan hệ chặt chẽ đến các sự kiện chính trị. Lịch sử cho thấy sự biến động lớn của giá dầu đều có liên quan đến các vấn đề chính trị, ví dụ như bốn cuộc chiến tranh Trung Đông hay chiến tranh Iraq đều dẫn đến biến động lớn về giá dầu.

  3. Yếu tố đồng USD: Giá dầu thô quốc tế thường được định giá bằng USD. Khi đồng USD mạnh, giá dầu thô có xu hướng giảm, trong khi đồng USD yếu giá dầu có xu hướng tăng.

  4. Yếu tố đầu cơ: Dầu thô là một loại hàng hóa có tính tài chính cao. Giá hợp đồng tương lai dầu hiện nay là tiêu chuẩn cho giao dịch dầu quốc tế, và dòng vốn đầu tư quốc tế đều có thể làm giá dầu biến động.

III. Các ví dụ đầu tư:

Việc niêm yết các hợp đồng tương lai dầu thô sẽ giúp ích cho việc giành quyền định giá của một nước, đồng thời cũng giúp cho các doanh nghiệp trong chuỗi ngành dầu thô phòng ngừa và tránh được rủi ro biến động giá. Nó cũng là một công cụ đầu tư quan trọng đối với các nhà đầu tư. 

1. Giao dịch đầu cơ

Giới tư bản có nhu cầu tự nhiên về đầu cơ. Thị trường tương lai của dầu thô có thể thu hút lượng đầu tư lớn, từ đó cung cấp động lực cho ngành công nghiệp dầu khí phát triển. Thông qua giao dịch trên thị trường tương lai, nhà đầu tư không chỉ có thể phòng ngừa rủi ro biến động giá dầu mà còn có thể kiếm lợi từ các biến động giá thông qua các giao dịch đầu cơ trên thị trường.

Ví dụ:
Ngày 29/6, giá dầu tương lai là 335 CNY/thùng. Một nhà đầu tư dự đoán sự gia tăng mạnh mẽ của sản lượng dầu đá phiến Mỹ và dầu thô Trung Đông sẽ khiến giá dầu thô giảm, nên đã bán khống 10 hợp đồng tương lai dầu. Đến ngày 24/8, giá dầu giảm xuống 250 CNY/thùng, nhà đầu tư này cho rằng giá này là một mức giá sàn ngắn hạn, vì thế đã thực mua lại để đóng vị thế, lợi nhuận ròng = (335 - 250) x 1.000 thùng x 10 hợp đồng = 850.000 CNY.

2. Doanh nghiệp phòng ngừa rủi ro giá (Hedging)
Chiến lược phòng vệ giá ̣(Hedging) là một hành vi trong giao dịch thị trường tương lai nhằm tránh rủi ro về giá giao ngay. Nghĩa là, cùng lúc bán ra hoặc mua một hợp đồng tương lai với số lượng tương ứng trong khi mua hoặc bán trên thị trường giao ngay. Sau một thời gian, khi giá cả có sự biến động khiến cho hoạt động mua/bán trên thị trường giao ngay sinh lãi/lỗ, thì khoản lỗ/lãi trong giao dịch hợp đồng tương lai có thể bù đắp hoặc cân bằng khoản này. Từ đó thiết lập một cơ thế đối lập giữa “thị trường giao ngay” và “thị trường tương lai” giúp giảm thiểu tối đa rủi ro về giá. Các doanh nghiệp sử dụng hedging để quản lý rủi ro, từ đó duy trì chi phí sản xuất hoặc lợi nhuận dự kiến ở mức ổn định hơn, đồng thời tăng cường khả năng chống chọi với những rủi ro về biến động giá cả trên thị trường.

Ví dụ minh họa cụ thể về cách thực hiện:
Ngày 20/5, một nhà máy lọc dầu nhận thấy giá dầu thô chất lượng trung bình có chứa lưu huỳnh tại Trung Quốc là 295 CNY/thùng và cho rằng đây là mức giá thấp và có thể tăng trong tương lai khiến chi phí thu mua tăng. Để tránh rủi ro tăng giá, nhà máy này mua 100 hợp đồng tương lai với ký quỹ 10%, tương đương 3 triệu CNY.



Thị trường giao ngay

Thị trường tương lai

20/5

Giá dầu thô Thắng Lợi 295 CNY/thùng

Mua 100 hợp đồng tương lai dầu thô với giá 300 CNY/thùng

10/8

Mua 100.000 thùng dầu thô (giá 385 CNY/thùng)

Bán 100 hợp đồng kỳ hạn với giá 400 CNY/thùng

Lãi/Lỗ

Lỗ 90 CNY/thùng x 100.000 thùng = 9 triệu CNY

Lãi 100 CNY/thùng x 100 hợp đồng x 1.000 thùng = 10 triệu CNY

Lợi nhuận

1 triệu CNY


IV. Lưu ý nhỏ

Quy đổi đơn vị: Thùng (barrel)tấn (ton) là hai đơn vị đo lường thường dùng cho dầu thô. Các quốc gia thuộc OPEC, Mỹ và Châu Âu thường sử dụng đơn vị thùng để đo lường. Trung Quốc, Nga và một số quốc gia khác thường sử dụng đơn vị tấṇ ( t ). Quy đổi giữa tấn và thùng: 1 tấn ≈ 7 thùng (đối với dầu nặng); 1 tấn ≈ 7,2 - 7,3 thùng (đối với dầu nhẹ hoặc dầu có độ loãng cao).

Tại các cây xăng thuộc các quốc gia Âu Mỹ, xăng dầu thường được tính theo đơn vị gallon. Ở Trung Quốc và nhiều quốc gia khác, xăng dầu thường được đo và tính giá theo đơn vị lít. 1 thùng = 42 gallon; 1 gallon = 3,78543 lít; 1 gallon Mỹ = 3,78543 lít; 1 gallon Anh = 4,546 lít. Vậy nên, 1 thùng ≈ 158,99 lít.