TIÊU ĐIỂM NGÀNH

THỊ TRƯỜNG DẦU MỎ ẢM ĐẠM: CƠ HỘI VÀNG ĐỂ TĂNG CƯỜNG TRỪNG PHẠT DẦU NGA?

2024-11-20 11:23:31 Số lần đọc:90

Theo Julian Lee, chiến lược gia dầu mỏ của Bloomberg, giá dầu giảm và nguồn cung dư thừa quá mức trong thời gian tới có thể tạo ra cơ hội tuyệt vời để tăng cường các lệnh trừng phạt đối với nguồn cung dầu của Nga, từ đó làm suy yếu khả năng tài trợ cho các hoạt động quân sự của điện Kremlin.

Cơ chế giá trần hiện nay do phương Tây áp đặt chưa thực sự hạn chế được nguồn thu từ dầu mỏ của Moscow. Nguyên nhân là dù cơ chế này được Mỹ thúc đẩy,  nhưng Mỹ cũng lo ngại rằng việc thực sự tấn công vào xuất khẩu dầu của Nga có thể khiến giá dầu tăng vọt. 

Tuy nhiên, lo ngại này hiện nay đã giảm bớt so với thời điểm cơ chế này được thiết lập vào hai năm trước.

Bất chấp căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông đang ở mức cao nhất trong nhiều thập kỷ, giá dầu Brent vẫn giữ ở mức dưới 75 USD/thùng và thậm chí có lúc giảm xuống dưới 70 USD vào tháng 9. Đây là mức giảm hơn 25% so với thời điểm cơ chế giá trần được thiết lập.

Các biện pháp trừng phạt đối với các tàu chở dầu cá biệt vi phạm cơ chế giá trần đã đạt được một số thành công nhất định. Những tàu này ban đầu đã phải nằm bến trong nhiều tháng trời khi bị Mỹ, Anh, hoặc EU đưa vào danh sách cấm vận. 

Gần đây, Moscow đã khởi động lại các tàu này, cho chúng hoạt động trở lại. Việc khởi động lại những con tàu trên không ảnh hưởng đến những quốc gia cho phép tàu vào cảng của họ. Nhưng có lẽ đã đến lúc phải can thiệp.


Những con tàu bị cấm vận được khởi động lại.

Hiện có khoảng 90 tàu chở dầu đang bị trừng phạt bởi Mỹ, Anh hoặc một hoặc nhiều quốc gia trong khối EU. 

 Gia tăng con số này lên mức đáng kể( theo ước tính, “Hạm đội bóng tối” chuyên vận chuyển dầu của Nga hiện có khoảng 600 con tàu), cộng thêm việc gia tăng chi phí sử dụng đội tàu này, sẽ giáng một đòn mạnh mẽ cho Moscow.

Nếu thuyết phục các nhà máy lọc dầu ở Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ giảm hoặc ngưng nhập khẩu dầu Nga được vận chuyển bởi những “Hạm đội bóng tối” này, xuất khẩu dầu của Moscow chắc chắn sẽ khó tránh khỏi sự lao dốc.

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), nếu mỗi ngày loại bỏ 1 triệu thùng dầu thô Nga khỏi thị trường, tác động này chỉ tạo ra sự cân bằng cung cầu trong nửa đầu năm 2025, còn lại không gây ra ảnh hưởng gì lớn hơn. 

Trong bối cảnh thị trường dầu mỏ suy yếu, tác động đến giá cả sẽ dễ kiểm soát hơn, khiến các biện pháp trừng phạt trở nên hiệu quả hơn đối với nguồn tài trợ chiến tranh của Kremlin.

Thêm vào đó, vẫn còn một lượng lớn nguồn dự trữ có thể bù đắp bất kể tổn thất nào từ nguồn cung của Nga. 

Nếu OPEC sẵn lòng, trên lý thuyết tổ chức này có thể tăng lượng cung ứng thêm hơn 5 triệu thùng/ngày. Con số này gần như gấp đôi lượng xuất khẩu dầu thô Nga vận chuyển bằng đường biển.

Tất nhiên, OPEC cũng có thể lựa chọn không nhúng tay vào.

Quan hệ giữa Ả Rập Xê Út và Nga hiện nay chặt chẽ hơn so với tháng 3 năm 2020. Khi thị trường dầu mỏ sụp đổ do Covid 19, và Nga đã cự tuyệt tham gia vào kế hoạch giảm sản lượng dầu mỏ do Ả Rập Xê Út và các quốc gia trong OPEC đề ra, sau đó Ả Rập Xê Út đã chủ động khơi mào cuộc chiến giá dầu và gây ra chuỗi tác động lên ngành dầu mỏ thế giới, dẫn đến việc giá dầu giảm mạnh.

Hiện nay, việc Ả Rập Xê Út sẽ đứng về phía Mỹ hay Nga trong chính sách dầu mỏ vẫn còn là một câu đố.

Tổng thống Mỹ sắp mãn nhiệm Joe Biden gần đây đã nhấn mạnh rằng ông sẽ tăng cường hỗ trợ Ukraine trước khi rời Nhà Trắng. Các biện pháp trừng phạt hiệu quả nhằm vào xuất khẩu dầu của Nga sẽ là tin vui cho Kyiv. 

Nếu phương Tây thực sự muốn tấn công vào nguồn thu từ dầu mỏ của Moscow, một vài tuần trước khi Tổng thống đắc cử Donald Trump nhậm chức có thể sẽ là thời điểm tốt nhất để hành động.